Bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân mắc bệnh gout

Bệnh gout

Những ai thường mắc bệnh gout?

Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa nhân purin của tế bào, có thể nói nôm na là rối loạn chuyển hóa đạm, được đặc trưng bởi sự tăng cao quá mức axit uric trong máu và mô. Các tinh thể urat lắng đọng vào màng hoạt dịch của khớp gây nên viêm khớp vi tinh thể với những triệu chứng rất đặc trưng. Bệnh thường xảy ra ở những người có địa vị cao trong xã hội hay người có kinh tế khá giả. Tuy nhiên, những năm gần đây, xã hội phát triển, đời sống dần được nâng cao, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn cũng bị rút ngắn nên bệnh gout không phải chỉ là bệnh của nhà giàu mà đã trở thành một trong những bệnh của cuộc sống văn minh hiện đại.

Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới trưởng thành.Yếu tố gia đình thường hay gặp. Khoảng 10-30% bệnh nhân gout có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này. Bệnh gout đặc biệt hay gặp ở chủng tộc Polynesia, có thể là do thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống giống nhau trong gia đình.Bệnh được biết đến từ thời Hypocrat nhưng đến thế kỷ XVII Sydenham mới mô tả đầy đủ các triệu chứng của bệnh. Một đặc trưng của bệnh gout là việc xuất hiện các cơn viêm khớp cấp tính do bệnh gout. Cơn xuất hiện tự phát hoặc sau một bữa ăn hoặc uống rượu quá mức.

Nhiều bệnh nhân mô tả các đợt sưng đau khớp dữ dội đến mức không đi lại được sau những khi ăn nhiều hải sản, thịt thú rừng, thịt chó, hay đơn giản chỉ là ăn lòng lợn, tiết canh. Đặc biệt, uống nhiều rượu cũng góp phần gây tái phát bệnh.

Bệnh gout
Bệnh gout

Các tổn thương do bệnh gout gây ra:

Khớp hay bị tổn thương là các khớp ở chi dưới như gối, cổ chân và đặc biệt là ở ngón chân cái. Cơn viêm khớp cấp tính thường khởi phát đột ngột và dữ dội vào nửa đêm. Khớp bị tổn thương đau ghê gớm, bỏng rát, đau làm mất ngủ, da trên vùng khớp hay cạnh khớp sưng nề, có màu hồng hoặc màu đỏ. Bệnh nhân đi lại rất khó khăn hay phải nằm bất động do đau. Viêm khớp cấp tính thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-38,5oC, có thể kèm rét run.

Đợt viêm khớp cấp tính do bệnh gout kéo dài khoảng 1-2 tuần rồi khỏi, không để lại di chứng nhưng rất dễ tái phát với việc xuất hiện các đợt viêm khớp mới. Một đặc điểm nữa là khi uống thuốc colchicin thì bệnh nhân thấy giảm đau khớp nhanh trong vòng 48-72 giờ. Nhiều bệnh nhân chủ quan không điều trị đến nơi đến chốn, hay tự điều trị bằng các thuốc khớp, đặc biệt là dùng bừa bãi các thuốc prednisolon, dexamethason. Hậu quả là bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, gãy xương, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Cần có một chế độ ăn uống hợp lý:

Khi có các đợt viêm khớp cấp tính, bệnh nhân nên uống nhiều nước (nước chè, nước hoa quả, sữa) và ăn cháo, súp, sữa, trứng. Một chế độ ăn hợp lý cần nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là rau actisô, xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa chuột, dưa gang, khoai tây, cà chua. Có thể ăn trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, phomat trắng không lên men, cá nạc, ốc sò. Ngoài ra, bệnh nhân cần tích cực uống nhiều nước, đặc biệt là nước khoáng kiềm (sô đa, nước khoáng Lavie, Vĩnh Hảo…) để tăng cường thải tiết axit uric qua nước tiểu.

Để đề phòng đợt tái phát của bệnh, ngoài chế độ dùng thuốc hợp ly, bệnh nhân còn phải phải tuân thủ một số quy tắc ăn uống, sinh hoạt khoa học để đạt trọng lượng cơ thể ở mức sinh lý.Cần nhận thức rằng ăn uống không hợp lý là một yếu tố thúc đẩy làm xuất hiện bệnh và làm tái phát bệnh, do vậy bệnh nhân cần tự nguyện áp dụng chế độ ăn kiêng, hạn chế bia rượu. Cụ thể lượng thịt ăn hàng ngày không nên quá 150g, đặc biệt cần tránh ăn phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi…), các loại thịt đỏ (thịt chó, dê, trâu, bê), các loại hải sản tôm, cua, cá béo), đậu hạt các loại, nấm khô, sôcôla.

Bệnh nhân cần bỏ rượu, thậm chí cả rượu vang, rượu thuốc. Một số loại thức ăn cần hạn chế sôcôla, cacao, nấm, nhộng, rau dền…Cần tránh ăn những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua… vì chính những chất chua làm cho axit uric tăng cường lắng đọng vào khớp cấp tính. Bệnh nhân mắc chứng béo phì cần áp dụng chế độ ăn giảm mỡ, giảm kalo.Tóm lại, bệnh nhân bị bệnh gout cần phải cố gắng duy trì chế độ ăn uống khoa học hợp lý như chọn cho mình các thức ăn lành mạnh, bổ dưỡng, tránh các loại thức ăn chứa quá nhiều đạm cũng như tránh thức uống có chất kích thích như bia, rượu, cả nước chanh.

Bệnh nhân gout cũng cần được sự hợp tác, thông cảm từ người thân, bè bạn trong những dịp liên hoan ăn uống. Khi đó, người bệnh sẽ có thể chủ động áp dụng chế độ ăn thích hợp với tình trạng bệnh của mình để có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

TS. NGUYỄN VĨNH NGỌC (Khoa Cơ Xương Khớp – BV. Bạch Mai)